Câu hỏi

Công ty tại Hà Nội thành lập chi nhánh của công ty tại thành phố Đà Nẵng, nên thành lập chi nhánh hạch toán độc lập hay thành lập chi nhánh hạch toán phụ thuộc, các quy định của pháp luật đối với chi nhánh hạch toán độc lập và chi nhánh hạch toán phụ thuộc ?

Trả lời

So sánh chi nhánh hạch toán độc lập và chi nhánh hạch toán phụ thuộc:

Giống nhau:

Tư cách pháp lý:

Đều là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền (Khoản 1 Điều 45 Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 ngày 26/11/2014), không phải là pháp nhân (Khoản 1 Điều 84 Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015).

Mức thu lệ phí môn bài:

Đều có mức thu lệ phí môn bài là: 1.000.000 (Một triệu) đồng/ năm (Điểm c Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 302/2016/TT-BTC ngày 15/11/2016).

Thủ tục khai nộp lệ phí môn bài:

Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc (chi nhánh, cửa hàng ...) kinh doanh ở cùng địa phương cấp tỉnh thì người nộp thuế thực hiện nộp Tờ khai thuế môn bài của các đơn vị trực thuộc đó cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của người nộp thuế.

Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc ở khác địa phương cấp tỉnh nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc thực hiện nộp Tờ khai thuế môn bài của đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc (Khoản 1 Điều 17 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013).

Khác nhau:

Khai thuế giá trị gia tăng:

Đối với chi nhánh hạch toán độc lập: 

Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Nếu đơn vị trực thuộc có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng (Điểm a, b Khoản 1 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013).

Đối với chi nhánh hạch toán phụ thuộc:

Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cùng nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì người nộp thuế thực hiện khai thuế giá trị gia tăng chung cho cả đơn vị trực thuộc.

Nếu đơn vị trực thuộc có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế giá trị gia tăng đầu vào, đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng.

Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, giao Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế đối với trường hợp người nộp thuế có hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke (Điểm b Khoản 1 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013).

Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc kinh doanh ở địa phương cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế giá trị gia tăng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị trực thuộc; nếu đơn vị trực thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính của người nộp thuế (Điểm c Khoản 1 Điều 11 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013).

Khai thuế thu nhập doanh nghiệp:

Đối với chi nhánh hạch toán độc lập: 

Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc (Điểm a, b khoản 1 Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013).

Đối với chi nhánh hạch toán phụ thuộc:

Trường hợp người nộp thuế có đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán phụ thuộc thì đơn vị trực thuộc đó không phải nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp; khi nộp hồ sơ khai thuế thu nhập doanh nghiệp, người nộp thuế có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc (Điểm c khoản 1 Điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013).

Về chế độ kế toán:

Đối với chi nhánh hạch toán độc lập: 

Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức bộ máy kế toán và phân cấp hạch toán ở các đơn vị hạch toán phụ thuộc phù hợp với đặc điểm hoạt động, yêu cầu quản lý của mình và không trái với quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp quyết định việc kế toán tại đơn vị hạch toán phụ thuộc có tổ chức bộ máy kế toán riêng đối với:

Việc ghi nhận khoản vốn kinh doanh được doanh nghiệp cấp: Doanh nghiệp quyết định đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận là nợ phải trả hoặc vốn chủ sở hữu;

Đối với các giao dịch mua, bán, điều chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nội bộ: Doanh thu, giá vốn chỉ được ghi nhận riêng tại từng đơn vị hạch toán phụ thuộc nếu sự luân chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các khâu trong nội bộ về bản chất tạo ra giá trị gia tăng trong sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Việc ghi nhận doanh thu từ các giao dịch nội bộ để trình bày trên Báo cáo tài chính của các đơn vị không phụ thuộc vào hình thức của chứng từ kế toán (hóa đơn hay chứng từ luân chuyển nội bộ);

Việc phân cấp kế toán tại đơn vị hạch toán phụ thuộc: Tùy thuộc mô hình tổ chức kế toán tập trung hay phân tán, doanh nghiệp có thể giao đơn vị hạch toán phụ thuộc phản ánh đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc chỉ phản ánh đến doanh thu, chi phí (Điều 8 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014).

Đối với chi nhánh hạch toán phụ thuộc:

Doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức bộ máy kế toán (tập trung hay phân tán) và phân cấp hạch toán ở các đơn vị hạch toán phụ thuộc phù hợp với đặc điểm hoạt động, yêu cầu quản lý của mình và không trái với quy định của pháp luật (Điều 8 Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014).

Như vậy, bạn có thể xem xét các quy định của pháp luật có liên quan và áp dụng thực hiện cho phù hợp./.

Liên hệ:

Điện thoại: 0914 165 703

Email: dmslawfirm@gmail.com

DMS LAW LLC
Giám đốc
(Đã ký)
Luật sư Đỗ Minh Sơn

LIÊN QUAN

Thủ tục giải thể chi nhánh của công ty cổ phần tại Đà Nẵng

Giải thể chi nhánh của công ty cổ phần tại Đà Nẵng, thông tin cần cung cấp, các giấy tờ kèm theo và trình tự, thực hiện thủ tục thực hiện việc chấm dứt hoạt động chi nhánh công ty tại Đà Nẵng ?

Thủ tục tạm ngừng kinh doanh công ty tại Đà Nẵng

Trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh công ty tại Đà Nẵng, thì thủ tục tạm ngừng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định pháp luật như thế nào ?

Chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty tnhh tại Đà Nẵng

Doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi thành công ty tnhh tại Đà Nẵng, hồ sơ pháp lý và trình tự, thủ tục thực hiện chuyển đổi theo quy định của pháp luật ?

Chuyển đổi công ty tnhh htv trở lên thành công ty tnhh mtv tại Đà Nẵng

Doanh nghiệp chuyển đổi công ty tnhh htv trở lên thành công ty tnhh mtv tại Đà Nẵng, hồ sơ pháp lý và trình tự, thủ tục thực hiện cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật ?

Thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp tại Đà Nẵng

Thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, tăng vốn điều lệ, thay đổi tỷ lệ vốn góp, kết nạp thêm thành viên mới là cá nhân cho công ty, hồ sơ, thủ tục và thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ? 

.